Tín hiệu ở nam Ấn Độ Dương là của hộp đen máy bay
Các chuyên gia Australia và Mỹ vừa
khẳng định rằng các tín hiệu mà tàu tìm kiếm MH370 thu được ở nam Ấn Độ
Dương được phát ra từ một thiết bị do con người chế tạo, không giống bất
kỳ âm thanh tự nhiên nào.
Đại tướng không quân về hưu của Australia Angus Houston, chỉ huy chiến
dịch tìm kiếm đa quốc gia, hôm nay cho biết rằng các chuyên gia của
Trung tâm Phân tích âm thanh (AJACC) tại New South Wales và nhà sản xuất
hộp đen của Mỹ đã xác nhận rằng các tín hiệu 33,31 kHz phát ra từ một
hộp ghi dữ liệu chuyến bay.
Tuy nhiên ông nói thêm rằng chưa thể khẳng định các tín hiệu đó thuộc
về hộp đen của máy bay Malaysia mất tích MH370, theo hãng thông tấn
Malaysia Bernama.
"Hai tín hiệu mới nhất thu được vào lúc 4h27 chiều và 10h17 tối qua",
ông cho biết trong cuộc họp báo hôm nay về tiến trình tìm kiếm chiếc
Boeing 777. Tín hiệu thứ nhất kéo dài 5 phút 32 giây và tín hiệu thứ hai
trong 7 phút. Trước đó, tàu của Australia thu được hai tín hiệu hôm thứ
hai, một tín hiệu hôm chủ nhật; tàu của Trung Quốc phát hiện hai tín
hiệu hôm thứ sáu và thứ bảy tuần trước.

Các thợ lặn Australia tìm mảnh vỡ máy bay MH370 dưới biển nam Ấn Độ Dương hôm qua. Ảnh: Reuters
Chuyến bay MH370 chờ 239 người mất tích sáng 8/3 khi trên hành trình từ
Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Nó được cho là đã quay ngược hướng ban đầu
và bay ra nam Ấn Độ Dương, kết thúc hành trình ở đó. Cuộc tìm kiếm máy
bay đã sang ngày thứ 33 và các tín hiệu "ping" nói trên là manh mối đáng
kể nhất từ trước đến nay về tung tích máy bay. Chỉ huy chiến dịch tìm
kiếm cho biết ông hy vọng thấy được gì đó của MH370 trong vài ngày tới.
Thuật ngữ hộp đen máy bay được dùng để chỉ thiết bị ghi âm buồng lái và
thiết bị lưu dữ liệu về chuyến bay. Chúng được chế tạo với độ bền cao,
và có bộ phận phát ra tín hiệu sóng âm để giúp cho việc tìm kiếm trong
trường hợp máy bay rơi. Hộp đen là chìa khoá để giải mã các bí ẩn liên
quan đến các tai nạn máy bay trong ngành hàng không dân dụng hiện nay.
Ánh Dương
