Tỷ giá giảm, xu hướng có vững chắc?
Sự sụt giảm tỷ giá VND/USD là kết quả của sự dịch chuyển của dòng vốn “thông minh” trước tình trạng chênh lệch lãi suất cao giữa USD và VND trong ngắn hạn.
Tín hiệu đáng mừng trước mắtTrong suốt tuần giao dịch vừa qua, tỷ giá USD/VND liên tục sụt giảm trên cả thị trường chính thức lẫn tự do. Trên thị trường chính thức, đã lâu lắm rồi tỷ giá giao dịch mới nằm dưới mức tỷ giá trần. Còn ở thị trường tự do, có lúc giao dịch ở mức thấp hơn tỷ giá trong hệ thống ngân hàng.
Phải nói rằng sự sụt giảm tỷ giá là kết quả của một loạt các giải pháp đồng bộ của Chính phủ trong việc quản lý thị trường ngoại hối. Các chính sách này đã làm chênh lệch lãi suất gửi VND và USD lên đến 11 – 14%/năm. Sự chênh lệch lớn về lãi suất kết hợp với kỳ vọng phá giá VND trong ngắn hạn giảm đã làm dịch chuyển dòng vốn từ USD sang VND. Sự dịch chuyển dòng vốn này làm nguồn cung USD tăng mạnh, nguồn cung USD tăng làm tỷ giá giảm liên tục trong mấy ngày gần đây mang lại tín hiệu tươi mới và khả quan cho thị trường ngoại hối vốn rất căng thẳng trong những năm vừa qua, một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn.
Căn nguyên bất ổn vẫn còn
Những khó khăn trước mắt trên thị trường ngoại hối đã lắng dịu rất nhiều. Nhưng về lâu dài, những bất ổn trên thị trường này vẫn sẽ tồn tại chừng nào mà vấn đề lạm phát ở Việt Nam chưa được giải quyết một cách rốt ráo và niềm tin vào VND không được xây đắp một cách vững vàng. Như đã nói ở trên, sự sụt giảm tỷ giá VND/USD là kết quả của sự dịch chuyển của dòng vốn “thông minh” trước tình trạng chênh lệch lãi suất cao giữa USD và VND trong ngắn hạn; do đó, dòng vốn này sẽ tiếp tục “thông minh” để dịch chuyển ngược lại từ VND sang USD khi mà chênh lệch lãi suất này được thu hẹp đáng kể hay kỳ vọng về phá giá VND tăng lên. Trong quá khứ, sự dịch chuyển từ VND sang USD đã từng diễn ra và không khó để có thể nhận biết thông qua yếu tố “lỗi và sai sót” trong đo lường cán cân thanh toán tổng thể của quốc gia (là thuật ngữ tài chính để chỉ một khoản mục trong bảng cân đối cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam. Nó xuất hiện vì tổng của cán cân vãng lai và cán cân vốn – tài chính không bằng cán cân thanh toán tổng thể như lẽ ra nó phải thế mà phải cộng thêm một con số nào đó). Điển hình của sự dịch chuyển này là vào năm 2009, khi một lượng vốn rất lớn đầu cơ vào USD góp phần làm cho yếu tố “lỗi và sai sót” lên đến -12,1 tỉ USD (nguồn ADB).
Những khó khăn trước mắt trên thị trường ngoại hối đã lắng dịu rất nhiều. Nhưng về lâu dài, những bất ổn trên thị trường này vẫn sẽ tồn tại chừng nào mà vấn đề lạm phát ở Việt Nam chưa được giải quyết một cách rốt ráo và niềm tin vào VND không được xây đắp một cách vững vàng. |
Những lập luận ở trên có thể cho thấy rằng, áp lực phá giá VND vừa lắng dịu dưới tác động của các chính sách như thắt chặt tiền tệ, dẹp bỏ thị trường chợ đen, giảm mức trần lãi suất huy động USD,… sẽ chỉ là những diễn biến mang tính ngắn hạn của tỷ giá. Sự biến động tỷ giá trong dài hạn tuỳ thuộc vào mức độ lạm phát của Việt Nam trong tương lai. Điều này có nghĩa là nếu mức lạm phát cao như hiện nay không được cải thiện hoặc có cải thiện nhưng không bền vững, thì đến cuối năm kỳ vọng phá giá tiền đồng sẽ tăng cùng với sự gia tăng của lạm phát kỳ vọng tạo nên vòng xoáy lạm phát – phá giá mới. Nói cách khác, nếu như lạm phát ở Việt Nam “có tính khứ hồi” theo như phát biểu của một chuyên gia kinh tế thì áp lực phá giá VND cũng “có tính khứ hồi”, đi nhanh rồi trở lại và duy trì rất lâu. Do đó để giải quyết rốt ráo bài toán tỷ giá ở Việt Nam, chúng ta cần giải quyết một cách căn bản bài toán lạm phát nhằm tạo dựng lòng tin vững chắc vào tiền đồng, mà để giải quyết bài toán lạm phát thì không còn cách nào khác chúng ta cần thực thi chính sách tiền tệ rất thận trọng và chính sách đầu tư hiệu quả, đặc biệt là hoạt động đầu tư công.
Theo Hoàng Xuân Huy
SGTT
