IMF: Cần chặn đứng mối họa có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo
Nhiều vấn đề khiến thế giới điên đầu trước khủng hoảng bao gồm dòng chảy vốn biến động mạnh, áp lực tỷ giá, dự trữ thừa tăng nhanh đang trở nên căng thẳng hơn.
Ông Dominique Strauss-Kahn, giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hối thúc các nhà hoạch định chính sách kinh tế củng cố cho hệ thống tiền tệ toàn cầu để sửa chữa nhưng sai lầm có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.Trong bài phát biểu tại Washington ngày hôm nay, ông Dominique Strauss-Kahn nói: “Yếu tố mất cân bằng trên toàn cầu đang trở lại, nhiều vấn đề khiến chúng ta điên đầu trước khủng hoảng bao gồm dòng chảy vốn biến động mạnh, áp lực tỷ giá, dự trữ thừa tăng nhanh lại đang trở nên căng thẳng hơn. Nếu không giải quyết được vấn đề này, mầm mống dẫn đến cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ lớn dần lên.”
Tuyên bố của ông giống như kêu gọi của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người đã đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự tại hội nghị G20.
Bộ trưởng Tài chính, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương các nước thuộc G20 sẽ nối lại các nỗ lực hợp tác chính sách kinh tế khi họ nhóm họp trong tuần sau tại Paris – Pháp.
Ông Strauss-Kahn cho rằng có thể giành được tăng trưởng kinh tế thông qua tăng cường hợp tác quốc tế, giảm bất ổn trong sự dịch chuyển của các dòng vốn và đảm bảo thanh khoản tốt dành cho nước nào cần nó.
Ông Strauss-Kahn nói: “Khi chúng ta lo lắng về khiếm khuyết tồn tại trong hệ thống tiền tệ quốc tế, chúng ta cần quan tâm nhiều nhất đến biến động. Hiện nay đang tồn tại ý niệm rằng dòng tiền trên toàn cầu đang biến động trong xu thế quá mạnh và các nước cần môi trường ổn định, dễ dự báo hơn để có thể giàu có hơn.”
Cách khác để có được sự ổn định này sẽ là để quyền rút tiền đặc biệt (SDRs), giỏ tiền của IMF mà các thành viên có thể sử dụng để trao đổi, có vai trò lớn hơn.
Ý tưởng được tính đến bao gồm việc mở rộng SDRs, sử dụng tiền trong giỏ tiền này để thực hiện hoạt động thương mại và phát hành trái phiếu định giá bằng SDR.
Việc bổ sung tiền của nhóm nước mới nổi, trong đó bao gồm cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ giúp đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa các đồng tiền này và làm lợi cho hệ thống nói chung.
