Một trong những mối lo ngại lớn của châu Âu là nếu các chế độ ở Bắc Phi như Libya sụp đổ, một làn sóng người nhập cư bất hợp pháp sẽ dời bỏ đất nước để tới châu Âu. Hiện tượng hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp Tunisia tìm đến châu Âu bằng cách cập bến đảo Lampudisa của Italy mới đây là một ví dụ. Bên cạnh đó, các cuộc xung đột hiện nay ở Libya có nguy cơ đẩy đất nước này đến bờ nội chiến và tạo điều kiện cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền ở khu vực gần với biên giới Ai Cập.
Vào thời điểm này, tuy các công dân châu Âu tại Libya chưa bị trực tiếp đe doạ, nhưng các nước châu Âu đã phải tính tới khả năng đối phó nếu bất ổn tiếp tục leo thang. Với khoảng 750 công dân sống ở Libya, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi công dân của mình thận trọng và thậm chí là quay trở lại Pháp.
Trên đài truyền hình quốc gia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero nói: “Trước tiên, các công dân Pháp ở Libya cần ở nhà, tránh việc đi lại không cần thiết và đặc biệt là không nên tới những khu vực diễn ra biểu tình bởi vì ở những nơi này, tình hình có thể nhanh chóng vượt ngoài kiểm soát”.
Tại Italy, Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi người dân không nên tới Libya do các cuộc biểu tình đang diễn ra ở nhiều thành phố. Bộ Ngoại giao Italy cũng đưa ra một số nguyên tắc ứng xử cho các công dân Italy ở Libya như: tránh những nơi tụ tập đông người, tránh xa ngay lập tức những khu vực biểu tình và luôn theo dõi thông tin về tình hình khu vực và quốc tế.
Về phần mình, chính phủ Bồ Đào Nha đã tiến xa hơn một bước khi gửi một máy bay quân sự C-130 tới Tripoli để đưa các công dân quốc gia này cũng như công dân các quốc gia châu Âu khác trở về nước./.