Câu chuyện lòng tin và đầu cơ
Với mức cam kết rót 7,9 tỷ USD đầu tư cho năm tài khóa 2011, các nhà tài trợ vẫn khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, lo ngại về sự bất ổn kinh tế vĩ mô đang giới hạn nhiều kế hoạch kinh doanh mới.

Việt Nam cần phải củng cố niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài để có thể thu hút được những dự án có chất lượng như nhà máy chế tạo tua-bin gió của GE ở Hải Phòng
Nhiều đấu hiệu tốt
Đầu tháng 12/2010, Tập đoàn Dịch vụ tài chính Orix của Nhật Bản đã mua lại 25% cổ phần của Indochina Capital, một trong những công ty đầu tư lớn nhất do nước ngoài điều hành tại Việt Nam. Đây là ví dụ mới nhất về làn sóng tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Việt Nam nhằm tìm kiếm sự tăng trưởng. Trong tuyên bố của mình về thương vụ này, Orix khẳng định hợp tác với Indochina Capital trong việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp Nhật Bản muốn làm ăn tại Việt Nam. Đây là quyết định khôn ngoan bởi sự quan tâm tới Việt Nam của các công ty Nhật Bản đã tăng đáng kể vào nửa cuối năm 2010. Một trong những lý do dẫn đến xu hướng đầu tư này là diễn biến của đồng nội tệ của cả hai nước đang có lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Vào thời điểm tháng 12/2010, chi phí của các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có thể giảm hơn 20% so với cách đây 6 tháng. Đánh giá này tương ứng với tỷ lệ hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam mà Jetro mới đưa ra khi kết thúc cuộc khảo sát thường niên với doanh nghiệp Nhật Bản về các địa điểm đầu tư ở nước ngoài. Trong khảo sát này, Việt Nam tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 4 trong tổng số 18 địa điểm được các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn nhiều nhất.
Sự lạc quan cũng được thể hiện trong báo cáo điều tra “Cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2010” do Ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động bên lề của Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam đưa ra khi có tới 75% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Điểm chấm cho môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2010 là 2,52/4, cao hơn mức điểm 2,28/4 của năm 2009. Môi trường kinh doanh năm 2011 cũng theo đà tăng, với mức điểm là 2,88/4.
Đặc biệt, giới đầu tư đang đặt kỳ vọng vào sự bứt phá của môi trường kinh doanh Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2013 tới đây khi lần đầu tiên đạt điểm tốt, ở mức 3,07/4 điểm. Có thể thấy, các doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng Việt Nam sẽ vượt qua các thách thức, duy trì tiến trình phục hồi kinh tế, tiếp tục cải cách và môi trường kinh doanh sẽ đạt được những bước đột phá. Trước đó, trong Báo cáo “Doing business” năm 2010 của Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 11/2010, Việt Nam tăng 10 điểm về sự thuận lợi trong kinh doanh và là một trong 10 quốc gia, nền kinh tế được đánh giá có cải tiến mạnh mẽ nhất.
Và những khúc mắc
Khi thiếu niềm tin vào môi trường kinh doanh, thì tiền hoặc sẽ được găm giữ ở nhà hoặc đổ vào các khoản mục đầu cơ |
Chính sự khúc mắc tác động rất lớn tới tâm lý của người dân, tác động tới thị trường, rồi tác động phần nào tới tỷ giá VND/USD, tới sự lình xình của thị trường chứng khoán và cả bong bóng của thị trường bất động sản. “Khi mà môi trường kinh doanh thiếu niềm tin, thì tiền hoặc sẽ được găm giữ ở nhà hoặc đổ vào các khoản mục đầu cơ. Một nền kinh tế sẽ rất bất ổn nếu môi trường kinh doanh chỉ thu hút những nhà đầu cơ”, ông Thành phân tích.
